Sáu ngày sau cuộc tập kích quy mô lớn vào lãnh thổ Israel hôm 7/10,ấtthếtrongtrậnchiếnthôngtinvớphối màu nhóm Hamas đăng lên Telegram video các tay súng lực lượng này chăm sóc trẻ em Do Thái tại khu định cư Holit vào ngày diễn ra vụ tấn công. Trong video, các tay súng Hamas tìm cách vỗ về hai em bé đang hoảng sợ, băng bó cho em bị thương.
"Hãy nhìn sự nhân từ trong trái tim chúng tôi. Chúng tôi không sát hại những đứa trẻ như những gì các người làm", một tay súng nói trước ống kính trong lúc bế hai em bé. Lực lượng Hamas cáo buộc các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza đã giết hại hơn 10.000 dân thường Palestine, trong đó chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.
"Quan điểm này đã lan rộng khắp thế giới Arab, không chỉ với truyền thông thân Hamas mà còn ở Jordan, Ai Cập và Bắc Phi", al-Omari cho biết.
Theo quy định của đạo Hồi, các bên tham chiến cần phải bảo vệ tính mạng dân thường, tôn trọng phẩm giá của kẻ địch, không được phá hủy tài sản của đối phương trừ khi vì mục đích quân sự bắt buộc hoặc vô tình.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định mục đích chính của Hamas khi tấn công Israel hôm 7/10 là tạo ra "mồi lửa" kích động phong trào phản kháng Tel Aviv trên quy mô lớn của người Palestine, bao gồm ở khu vực Bờ Tây, nơi Hamas không kiểm soát. Trong đó, mặt trận thông tin đóng vai trò quan trọng để giúp "mồi lửa" này lan rộng.
Sau khi các tay súng Hamas thâm nhập vào lãnh thổ Israel, truyền thông thân Hamas liên tục cập nhật video, hình ảnh về "chiến tích" mà lực lượng này gây ra, như cảnh ôtô bị đốt cháy, hay các thanh niên Israel bị bắt trói tại lễ hội âm nhạc. "Những hành động được ban phước này là dành cho tất cả các bạn", người dẫn chương trình kênh Al-Aqsa của Hamas nói với khán giả Palestine qua truyền hình.
Kênh này ngay sau đó phát thông điệp của phó thủ lĩnh nhóm vũ trang Hamas Saleh al-Arouri, kêu gọi người dân Palestine ở Bờ Tây đứng lên chống lại người định cư, binh lính Israel, trong bối cảnh Tel Aviv đang phải tập trung chống lại cuộc tấn công từ Dải Gaza và không thể phân chia lực lượng cho "các mặt trận khác".
Thông điệp tương tự cũng được đưa ra bởi các quan chức Hamas cấp cao khác và được phát lại nhiều lần trên các kênh truyền thông thân tổ chức này.
Tuy nhiên, đã không có cuộc nổi dậy quy mô lớn nào xảy ra ở Bờ Tây. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sau đó vài ngày cũng đã đẩy lùi các tay súng Hamas về Dải Gaza, đồng thời triển khai không kích, pháo kích với tần suất chưa từng có vào vùng lãnh thổ để trả đũa, khiến hàng nghìn dân thường Palestine thiệt mạng.
Dư luận nhiều nước ban đầu ủng hộ hành động đáp trả của Israel, nhưng khi chứng kiến thương vong dân thường ngày càng lớn ở Gaza, cán cân dư luận đang thay đổi. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Mỹ và châu Âu yêu cầu Israel ngừng bắn và tôn trọng luật chiến tranh, tránh gây thương vong cho dân thường.
Giới quan sát cho rằng điều này đang khơi dậy sự cảm thông của cộng đồng quốc tế với người dân ở Dải Gaza, cũng như khiến lý lẽ của Hamas về việc mình là bên bị áp bức trở nên thuyết phục hơn. Talal Okal, bình luận viên của tờ Al-Ayyam, trụ sở ở Bờ Tây, nhận định Israel đã "tự đánh bại mình" trong cuộc chiến truyền thông.
Các kênh truyền thông thân Hamas cũng góp phần quan trọng để lan rộng quan điểm này, thông qua việc tích cực đăng video, hình ảnh về thương vong ở Dải Gaza sau các cuộc tập kích của Israel. Nổi bật là Al Jazeera, hãng truyền thông có nhiều camera nhất được lắp đặt ở Gaza. Phóng viên, biên tập viên của hãng cũng thường sử dụng các từ ngữ mang thiên hướng ủng hộ Hamas, gọi các tay súng của nhóm là "lực lượng kháng chiến" và IDF là "đội quân chiếm đóng".
Các thủ lĩnh cấp cao của Hamas từng ca ngợi Wael al-Dahdouh, trưởng văn phòng đại diện của Al Jazeera ở Dải Gaza, vì cách nhà báo này đưa tin về xung đột Israel - Hamas theo quan điểm của nhóm.
Một số kênh truyền thông lớn khác của các nước Arab, như Al Arabiya, trụ sở ở Arab Saudi, và Sky News Arabia, trụ sở ở UAE, ban đầu không đưa tin giống Al Jazeera, một phần do hai nước không có quan hệ tốt với Hamas. Riyadh, Abu Dhabi gần đây cũng cải thiện quan hệ với Israel, trong đó UAE đã bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 2020, còn Arab Saudi đang có kế hoạch tương tự.
Trong giai đoạn đầu xung đột, các bản tin của Al Arabiya, Sky News Arabia thường mang tính chỉ trích Hamas, gọi đây là "cuộc tấn công" của nhóm vào lãnh thổ Israel. Nhà báo Nadim Koteich của Sky News Arabia hôm 8/10 dường như ủng hộ các động thái trả đũa cứng rắn của Israel, khi so sánh cuộc tấn công của Hamas với thảm kịch 11/9 ở Mỹ. "Hành động của Hamas là một cuộc đảo chính có tính toán nhằm vào nỗ lực hòa bình của Israel - Arab Saudi", Koteich nêu quan điểm.
Tuy nhiên, khi thông tin về thương vong tại Dải Gaza xuất hiện ngày một nhiều, các hãng truyền thông này dần thay đổi thái độ về cuộc xung đột, không dùng từ "cuộc tấn công của Hamas" nữa mà gọi là "chiến tranh ở Gaza". Al Arabiya, Sky News Arabia gần đây tăng cường đăng video, hình ảnh về thiệt hại của dân thường ở Dải Gaza sau các cuộc không kích của Israel.
Theo Ghassan Khatib, nhà khoa học chính trị tại Đại học Birzeit, trụ sở ở Bờ Tây, các khảo sát cho thấy tỷ lệ người Palestine ủng hộ Hamas đang tăng mạnh ở khu vực này, một phần vì "hành động trả đũa tàn bạo" của Israel.
Sự thay đổi còn thể hiện ở giới lãnh đạo các nước trong khu vực. Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 11/10, Liên đoàn Arab lên án mạnh mẽ "các hành vi giết hại và nhắm vào dân thường của cả hai bên", bao gồm cả Hamas. Nhưng đến cuộc họp hôm 24/10 của Liên Hợp Quốc về xung đột ở Dải Gaza, các lãnh đạo Arab chủ yếu chỉ trích các cuộc không kích gây thương vong lớn của Israel, tránh đề cập đến vai trò của Hamas.
Giới chức Israel và phương Tây cáo buộc Hamas phóng đại số liệu thương vong nhằm thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/10 nói ông không tin Hamas đang nói sự thật về số người chết ở Dải Gaza, dù chắc chắn "đã có người vô tội thiệt mạng" sau các cuộc không kích của Israel.
Do Dải Gaza bị bao vây và tình hình chiến sự ác liệt, các hãng tin và cơ quan Liên Hợp Quốc đều sử dụng số liệu thương vong từ cơ quan y tế ở dải đất do Hamas quản lý.
Hôm 17/10, Hamas cáo buộc Israel ném bom vào bệnh viện Al-Ahli ở miền trung Dải Gaza, khiến ít nhất 500 dân thường thiệt mạng. IDF bác bỏ cáo cuộc, đăng bằng chứng về video, hình ảnh, cho rằng vụ nổ ở bệnh viện là do rocket phóng xịt của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ).
IDF cũng tố Hamas phóng đại con số thương vong trong vụ nổ, cho rằng không thể nhanh chóng xác định số người chết, bị thương và công bố nguyên nhân vụ nổ nhanh như vậy.
Dù vậy, Shibley Telhami, nhà khoa học chính trị tại Đại học Maryland ở Mỹ, Israel hiện là "phe thua cuộc" trong cuộc chiến trên mặt trận thông tin với Hamas và sự ủng hộ của Mỹ với Tel Aviv khiến hình ảnh của Washington trong thế giới Arab cũng bị ảnh hưởng theo.
"Với dư luận khu vực Trung Đông và các nước đang phát triển, ông Biden đang trở nên giống với tổng thống George W. Bush trong cuộc chiến ở Iraq", Telhami nhận định.
George W. Bush là người đã ra lệnh mở chiến dịch quân sự vào Iraq năm 2003 để lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein với cái cớ nước này đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, ông Bush sau đó đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích, đặc biệt là trong thế giới Arab, khi không bằng chứng nào về vũ khí hủy diệt được tìm thấy tại Iraq sau chiến dịch tấn công.
Phạm Giang(Theo New Yorker)